San Marino 0-13 Đức
Đức giữ kỷ lục về trận thắng đậm nhất ở vòng loại EURO cho đến trước tuần này, sau khi đánh bại San Marino 13-0 vào năm 2006.
Lukas Podolski đã ghi bốn bàn cho đội tuyển Đức, trong khi Thomas Hitzlsperger, Bastian Schweinsteiger và Miroslav Klose đều lập cú đúp. Michael Ballack, Manuel Friedrich và Bernd Schneider là những người còn lại điền tên lên bảng tỷ số. Đây là trận thua tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá San Marino - một quốc gia có dân số dưới 30.000 người.
Tại kỳ EURO 2008, đội tuyển Đức xuất sắc đi tới trận chung kết. Song, đoàn quân của HLV Joachim Loew đành ngậm ngùi làm á quân sau khi thua sát nút tuyển Tây Ban Nha với pha lập công của Fernando Torres.

Bastian Schweinsteiger (áo trắng) đóng góp hai bàn trong màn bắn phá San Marino.
Pháp 14-0 Gibraltar
Pháp không có dấu hiệu sẽ giảm tốc mặc dù đã giành suất tham dự EURO 2024. HLV Didier Deschamps tung ra sân đội hình với đầy đủ các hảo thủ ở cuộc tiếp đón Gibraltar. Kết quả, Pháp nã 14 bàn vào lưới đối thủ.
Kylian Mbappe cán mốc 300 bàn thắng trong sự nghiệp sau khi lập hat-trick, trong khi Kingsley Coman và Olivier Giroud mỗi người lập cú đúp. Pháp dẫn trước hai bàn trong vòng bốn phút đầu tiên của trận đấu. Bàn mở tỷ số của “Les Bleus” đến từ pha đá phản lưới nhà của Ethan Santos bên phía Gibraltar. Đến phút 18, kịch bản đen đủi xảy ra với đội khách khi một cầu thủ của họ nhận thẻ đỏ.
Đội bóng của Didier Deschamps đã khẳng định vị thế của ứng cử viên vô địch EURO vào năm tới. Đáng chú ý, màn đại thắng của Pháp chứng kiến tiền vệ 17 tuổi của PSG, Warren Zaire-Emery ăn mừng bàn đầu tiên cho ĐTQG, đồng thời trở thành cầu thủ trẻ nhất ra mắt đội tuyển xứ lục lăng.
Kuwait 20-0 Bhutan
Đây là một trong những trận đấu có kết quả đậm nhất trong lịch sử bóng đá châu Á. Bashar Abdullah ghi 8 bàn cho Kuwait ở vòng loại Asian Cup năm 2000.
Trong khi Jasem Al-Huwaid ghi 5 bàn. Thủ môn Kuwait thậm chí còn được phép băng lên và ghi bàn thứ 18 từ chấm phạt đền.
Triều Tiên 21-0 Guam
Triều Tiên có 4 cầu thủ ghi hat-trick khác nhau trong trận đại thắng Guam tại Giải vô địch bóng đá Đông Á 2005. Kwang-Hyok Kim dẫn đầu với bảy bàn thắng cho đội tuyển Triều Tiên. Guam – quốc đảo nhỏ bé ở Tây Thái Bình Dương – thua cả 4 trận vòng bảng tại giải, thủng lưới 49 bàn và chỉ ghi 1 bàn.
Thất bại của Guam trước Triều Tiên không phải là trận thua nặng nề đầu tiên của họ trên đấu trường quốc tế. Guam từng thất thủ muối mặt 19-0 trước Iran và 16-0 trước Tajikistan chỉ trong vòng ba ngày tại vòng loại FIFA World Cup 2002.

Đội tuyển Australia từng là "ngáo ộp" tại Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương.
Australia 22-0 Tonga
Bóng đá có thể không phải là môn thể thao được yêu thích ở Australia, nhưng “Socceroos” từng là quốc gia thống trị ở Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương (OFC), trước khi chuyển sang Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vào năm 2005.
Hồi còn chơi tại OFC, các hòn đảo nhỏ cạnh tranh cùng Australia để giành quyền tham dự các giải đấu lớn và đều nhận thất bại đậm trước đội tuyển xứ chuột túi. Trận thua đậm nhất có kết quả 22-0, diễn ra vào năm 2001. Cựu tiền đạo của Portsmouth và Coventry, John Aloisi ghi sáu bàn, Damian Mori ghi bốn bàn, và Kevin Muscat lập một cú hat-trick.
Tahiti 30-0 Quần đảo Cook
Cả hai bên đều chưa gia nhập FIFA vào năm 1971. Chiến thắng 30-0 của Tahiti thời điểm đó gây sửng sốt giới mộ điệu và được xem như trận đấu một chiều nhất trong lịch sử bóng đá.
Đây mới chỉ là trận đấu quốc tế thứ hai của ĐT Quần đảo Cook và họ bị kẹp giữa các thất bại lần lượt là 16-1 và 15-1 trước Papua New Guinea và Fiji trong các trận đấu ở vùng Nam Thái Bình Dương.
Australia 31-0 Samoa thuộc Mỹ
Chỉ hai ngày sau chiến thắng 22-0 trước Tonga ở vòng loại World Cup, Australia đã thiết lập kỷ lục mới khi đánh bại Samoa. Archie Thompson đã lập kỷ lục ghi 13 bàn cho “Socceroos”, bên cạnh đó David Zdrilic ghi 8 bàn cho đoàn quân của HLV Frank Farina.
Đáng chú ý, Thompson - người đã ghi 16 bàn sau 7 lần ra sân quốc tế trong năm dương lịch cho Australia - sau đó đã không được triệu tập trong hơn 3 năm, trước khi anh quay lại đội tuyển vào năm 2004.